Sau khi ăn dưa góp, người bệnh bị đau bụng, tiêu chảy, nôn nhiều, rơi vào tình trạng lơ mơ và được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Được biết, trước đó bệnh nhân có ăn dưa góp, sau khi ăn khoảng 6 tiếng xuất hiện đau bụng, đi ngoài phân lỏng và nôn nhiều lần, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhân được chăm sóc điều trị tích cực, sức khỏe dần ổn định.
Thậm chí, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng: mạch nhanh, huyết áp tụt, sốc nhiễm khuẩn suy đa phủ tạng không hồi phục và tử vong.
Bệnh thường khởi phát đột ngột sau khi ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi sinh vật, vi khuẩn trong quá trình bảo quản, chế biến. Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng gây nên tình trạng bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng nhận biết:
Sau bữa ăn 6 - 12 giờ, tình trạng ngộ độc xuất hiện đột ngột với các triệu chứng:
- Sốt cao 38 – 39 độ C, rét run, đau mỏi toàn thân
- Đầy bụng, đau quặn bụng, đau thượng vị rồi đi ngoài, phân lỏng, nhiều nước lổn nhổn thức ăn chưa tiêu, ngày đi 3 - 10 lần hoặc hơn.
- Nôn sau 1 - 2 lần ỉa lỏng
- Nôn thốc, nôn tháo những thức ăn chưa xuống ruột, chua, nhiều nước, ngày 5 - 10 lần hoặc hơn, làm bệnh nhân càng bị mất nước và điện giải. Có thể chỉ có nôn mà không có ỉa lỏng.
Với thể nặng, mất nước nhiều: Huyết áp thấp, mạch nhanh, dễ có truỵ tim mạch.
Cần phải xử trí ngay tại nhà như sau:
Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt nếu tiêu chảy cấp xảy ra ở trẻ em, vì trẻ em thể trọng cơ thể nhỏ, khi tiêu chảy bị mất nước và điện giải, sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải và đi vào trụy mạch.
Xử trí tại nhà, cần bù nước bằng dung dịch oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol để pha làm nhiều lần. Nếu không có Oresol, có thể pha nước gạo rang với muối ăn. Thường bù từ 1 - 2 lít/ngày. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi.
Lưu ý không được tự ý dùng thuốc làm giảm nhu động ruột. Đây là sai lầm hay mắc phải nhất do sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân cũng như sự thiếu ý thức của nhân viên y tế, đặc biệt là các dược tá nhà thuốc.
Thuốc làm giảm nhu động ruột như loperamid, diphenoxynat có tác dụng làm giảm sự co bóp của ruột nên nước và chất điện giải di chuyển trong ruột chậm hơn, từ đó làm tăng sự hấp thu nước và điện giải trong lòng ruột gây tình trạng tăng độ đặc của phân. Trong trường hợp nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn, sử dụng nhóm thuốc này sẽ làm chậm quá trình đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, do đó càng làm cho tình trạng nhiễm độc nặng nề hơn.
Nếu có các triệu chứng nghi nhiễm khuẩn nhiễm độc ăn uống như trên, cần bù đủ nước điện giải ngay, nếu đi lỏng nhiều và nôn nhiều, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị, tránh tự dùng thuốc ở nhà làm bệnh biến chuyển nặng và đe dọa sốc nhiễm khuẩn, tử vong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét