Hiển thị các bài đăng có nhãn ăn uống khó tiêu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ăn uống khó tiêu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

Cách giảm đầy bụng khi ăn quá nhiều

Hầu hết chúng ta từng trải qua những lúc lỡ ăn quá nhiều. Mặc dù không thể làm gì để cứu vãn tình thế, vẫn có một số bước có thể thực hiện để cảm thấy dễ chịu hơn và duy trì thói quen ăn uống bình thường.

Cách giảm đầy bụng khi ăn quá nhiều

Để giảm cảm giác khó chịu sau khi đã lỡ ăn nhiều, hãy thử các cách sau:

Đi dạo

Đi bộ làm cho dạ dày mau hết thức ăn hơn, mặc dù có thể không giúp giảm cảm giác đầy hơi và no. Tuy nhiên, khi dạ dày mau trống hơn, sẽ giảm các triệu chứng ợ nóng hoặc trào ngược axít.

Tiến sĩ Smith khuyên nên đi bộ ít nhất 5 - 10 phút, điều này cũng có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu - có thể tăng đột biến sau khi ăn quá mức.

Nhâm nhi nước hoặc đồ uống ít calo

Khi ăn một bữa ăn lớn, bạn có thể hấp thu rất nhiều natri mà không nhận ra, từ đó khiến cơ thể giữ nước và cảm thấy đầy hơi. Uống nước có thể giúp đào thải bớt lượng natri từ thực phẩm đã ăn, tiến sĩ Smith nói.

Nhưng hãy cẩn thận không nên uống nhiều nước ngay sau khi ăn, vì có thể làm giãn dạ dày hơn nữa và gây đau bụng, tiến sĩ Smith giải thích. Chỉ nên uống từ 120 - 240 ml nước và sau đó bù nước từ từ trong suốt cả ngày.

Đừng đi nằm ngay

Mặc dù bạn có thể cảm thấy mệt sau khi ăn nhiều, hãy cố gắng đừng đi nằm hoặc đi ngủ. Theo nghiên cứu gần đây, tư thế ngồi sẽ giúp dạ dày mau hết thức ăn hơn.

Đi nằm sau khi ăn cũng có thể khiến dễ bị trào ngược a xít vì việc nằm gây áp lực lên cơ giữ dạ dày ngăn a xít khỏi trào ngược.

Lên kế hoạch cho bữa ăn tiếp theo

Lên kế hoạch trước có thể giúp bạn kiểm soát bữa ăn của mình. Nhiều người có cảm giác đã lỡ ăn nhiều rồi, nên cứ thế mà ăn nhiều luôn trong cả ngày, tiến sĩ Smith nói. Đối với bữa ăn tiếp theo, nên chọn protein nạc, trái cây, rau quả và ngũ cốc nguyên hạt. 

Đừng căng thẳng

Đừng hoảng sợ, cố gắng đừng căng thẳng nếu đã lỡ ăn quá nhiều, đặc biệt nếu chỉ lâu lâu mới ăn nhiều một lần. Sẽ không thể tăng cân hoặc có vấn đề gì về sức khỏe chỉ sau một bữa ăn nhiều.

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

Cho trẻ ăn dặm đúng cách

Ăn dặm là cho trẻ ăn bổ sung các thức ăn khác ngoài sữa mẹ, bao gồm tinh bột, các loại vitamin từ rau, thịt, cá, trứng, hoa quả, sữa…

Các loại thức ăn này chỉ có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng chứ không thay thế được sữa mẹ. Giai đoạn ăn dặm là bước đệm đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện và hoàn thiện khả năng ăn uống sau này.

Khi nào bắt đầu cho bé ăn dặm?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi được tròn 6 tháng tuổi, vì lúc này hệ tiêu hóa của bé mới phát triển tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm đặc và phức tạp hơn sữa mẹ.


Trước 4 tháng tuổi, cơ thể trẻ chưa có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột. Do vậy, nếu cho bé ăn dặm trước 4 tháng dễ khiến bé chán sữa mẹ nên bú ít đi, dẫn đến tình trạng thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, quan trọng từ sữa mẹ. Điều này làm bé giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển. Mặt khác, bé dễ bị dị ứng thực phẩm do hệ tiêu hóa khi bé 4 tháng tuổi vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là những bé có cơ địa nhạy cảm. Vì vậy, bé dễ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa vì hệ tiêu hóa non nớt chưa đủ men để xử lý tinh bột và những thức ăn phức tạp khác.

Ngược lại, nếu cho bé ăn dặm muộn sau 6 tháng tuổi, nhiều khả năng trẻ sẽ đứng cân, tăng trưởng chậm. Bởi vì khi này sữa mẹ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ phát triển.

Giai đoạn ăn dặm là khi trẻ cần ăn bổ sung vì nhu cầu năng lượng tăng. Từ khi bé được 6 tháng tuổi, năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi đó giai đoạn này trẻ cần khoảng gần 700kcal/ngày. Do vậy, ăn dặm đúng cách là cần thiết để bù đắp khoảng cách thiếu hụt năng lượng này và lượng thức ăn trong các bữa ăn dặm cũng cần tăng lên khi trẻ lớn lên (tăng về số lượng và đậm độ đặc dần lên), nếu không đảm bảo đủ bữa ăn dặm trẻ sẽ còi cọc, phát triển chậm. Hơn nữa trong giai đoạn này, lượng sắt dự trữ không còn, do vậy trẻ sẽ thiếu sắt nếu chỉ được cung cấp từ nguồn sữa mẹ, do vậy ăn dặm sẽ là nguồn cung cấp đủ lượng sắt cần thiết bù đắp sự thiếu hụt đó. Nếu cơ thể trẻ không có đủ lượng sắt cần thiết trẻ sẽ bị thiếu máu. Khoảng thiếu hụt sắt lớn nhất vào lúc trẻ 6 -12 tháng và nguy cơ thiếu máu lớn nhất cũng ở nhóm tuổi này.

Một số lưu ý khi cho trẻ ăn dặm

Cho trẻ tập ăn dặm những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc gần giống với sữa công thức để bé quen dần với những thức ăn mới lạ. Nên tuân thủ nguyên tắc “ngọt - mặn” khi bắt đầu giai đoạn cho bé ăn dặm. Thường thì bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên khi tập cho trẻ ăn dặm vì mùi vị tương tự với sữa mẹ, trẻ được cho ăn dặm bằng bột ngọt trước rồi sẽ dần thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.

Khi mới ăn dặm, nên cho trẻ ăn ít một để luyện tập cho hệ tiêu hóa của trẻ thích ứng dần với lượng và thành phần thức ăn ngày càng phong phú. Cho trẻ ăn với lượng ít rồi tăng dần, cụ thể như tháng đầu nên cho ăn 1-2 muỗng bột mỗi lần rồi tăng dần lên 1/3 chén, rồi nửa chén... sẽ đảm bảo sự tiêu hóa và cung cấp đầy đủ năng lượng - dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Nên cho trẻ ăn loãng, rồi đặc dần và cũng nên tập cho trẻ ăn quen dần với các thức ăn mới, để hệ tiêu hóa của trẻ không bị phản ứng khi tiếp xúc với thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của trẻ có thể tiêu hóa được những thức ăn phức tạp hơn.

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Do đó, cha mẹ cần xây dựng một chế độ ăn dặm phù hợp để con phát triển toàn diện.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần phải chứa đủ 4 nhóm dinh dưỡng: Tinh bột (gạo, mì, ngô, khoai...); Đạm (thịt, cá, tôm, cua...); Chất béo (dầu ăn); Các loại rau giúp cung cấp vitamin, sắt, chất xơ và các chất khoáng khác cần thiết cho cơ thể. Tăng năng lượng của bữa ăn bằng cách bổ sung thêm dầu, mỡ hoặc vừng, lạc (mè, đậu phộng).

Phải cho trẻ ăn đầy đủ cả phần cái và phần nước hầm để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Nhiều cha mẹ có thói quen chỉ cho con ăn nước hầm xương quấy bột hoặc ninh cháo. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm vì xương dù có được ninh, hầm bao lâu, thì phần nước hầm vẫn chứa rất ít chất dinh dưỡng, chỉ có một lượng nhỏ vitamin, chất đạm, canxi vô cơ (cơ thể trẻ không thể hấp thu được). Do đó, chỉ cho trẻ ăn nước hầm có thể khiến trẻ bị thiếu canxi, dẫn tới còi xương, chậm lớn, suy dinh dưỡng.

Thực phẩm dùng cho trẻ phải đảm bảo an toàn vệ sinh, chỉ sử dụng thực phẩm còn tươi ngon để chế biến món ăn cho trẻ. Người chuẩn bị thức ăn cho trẻ phải rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn để tránh gây rối loạn tiêu hóa và các bệnh lý đường ruột khác.

Khi cho trẻ ăn nên khuyến khích động viên, không dọa nạt hay quát mắng khiến trẻ sợ ăn. Ngoài ra cũng không nên cưng nựng, dỗ dành quá mức vì sẽ hình thành thói quen không tốt ở trẻ, phải được thưởng trẻ mới chịu ăn.

Không cho trẻ ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì chất ngọt làm tăng đường huyết, khiến trẻ no bụng, chán ăn.

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

Dấu hiệu nhận biết dấu hiệu xơ gan của phụ nữ mang thai

Việc nhận biết dấu hiệu xơ gan ở phụ nữ mang thai không chỉ là cách bảo vệ chính bản thân mà còn cả bào thai trong bụng. Để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và con, bạn tuyệt đối không được xem nhẹ các biểu hiện này.

1. Dấu hiệu xơ gan ở phụ nữ mang thai

Biểu hiện ở giai đoạn đầu:

Giai đoạn này còn gọi là xơ gan bì, khi phần gan khỏe mạnh vẫn có thể đảm nhiệm chức năng cho phần gan bị tổn thương. Các dấu hiệu xơ gan ở phụ nữ mang thai lúc này không rõ rệt như:

- Cơ thể mệt mỏi, mất sức kèm theo sốt nhẹ

- Khó chịu, chán ăn, ăn không tiêu, có cảm giác đầy bụng, gặp vấn đề về tiêu hóa, không hấp thụ được dinh dưỡng

- Vùng hạ sườn thường xuyên cảm thấy nặng nề. Kèm theo thói đó là cơn đau nhẹ và tăng dần mức độ theo thời gian

- Nước tiểu màu vàng đậm

- Ở khu vực lưng, bụng, ngực và tay, chân xuất hiện các nốt mẩn đỏ

- Lông ở bộ phận sinh dục và nách ít và mỏng dần

- Suy giảm ham muốn tình dục

- Móng tay, chân có màu trắng đục và khô

Giai đoạn cuối

Đây là lúc cơ thể thai phụ trở nên nặng nề hơn. Cũng là thời điểm chức năng gan suy nhược do không thể gánh hết công suất làm việc liên tục với cường độ mạnh. Lúc này, 80-90% gan đã bị xơ hóa, không còn khả năng phục hồi nên các dấu hiệu xơ gan ở phụ nữ mang thai cũng trở nên rõ ràng hơn:

- Sức khỏe giảm sút. toàn thân mệt mỏi

- Rối loạn tiêu hóa, đại tiện ra phân đen

- Chân, tay bị phù, khi ấn vào có vết lõm và biến mất sau 1-2 phút

- Bụng to do cố trướng (Dấu hiệu này thường bị xem nhẹ do phụ nữ mang thai thường nhầm lẫn đó là do sự phát triển của thai nhi trong bụng). Dịch chèn vào các động mạch gây tổn thương và vỡ tĩnh mạch thực quản, gây nên tình trạng mất máu.

- Da chuyển dần sang màu vàng, lan rộng ra toàn thân

- Sản phụ bị hôn mê sau, nửa tỉnh nửa mơ. Điều này là do hàm lượng amoniac không được đào thải kịp thời, gây nên tình trạng nhiễm độc.

- Chức năng nội tiết giảm sút.

- Rối loạn tinh thần, suy giảm trí nhớ, ăn không ngon, ngủ không đủ giấc, mất khả năng tập trung

2. Nhầm lẫn về dấu hiệu xơ gan ở phụ nữ mang thai

Ở giai đoạn xơ gan mất bù, bụng của người sẽ to dần do nước ứ đọng trong ổ bụng. Tuy nhiên, dấu hiệu xơ gan ở phụ nữ mang thai này lại thường bị nhầm lẫn là do sự phát triển của bào thai trong bụng. Bởi vậy, họ không quan tâm đến tình trạng này và không đến bệnh viện, trung tâm y tế để kiểm tra sức khỏe.

Do bỏ qua dấu hiệu đặc trưng này, nhiều sản phụ cảm sau khi đi khám thai mới phát hiện bản thân đã mắc bệnh xơ gan ở giai đoạn nặng. Điều này là bởi các dấu hiệu ở giai đoạn đầu thường không rõ rệt, khiến nhiều phụ nữ chủ quan và xem đó là các biểu hiện của việc mang thai, do nghén khiến cơ thể mệt mỏi…

Cộng thêm đó, khi thai nhi ngày càng phát triển, gan của thai phụ sẽ tăng thêm gánh nặng, dẫn đến mất khả năng bù trừ, từ đó mới xuất hiện các dấu hiệu rõ rệt hơn. Nhưng đây cũng là lúc bệnh tình chuyển biến nặng, gây nên những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng người mẹ và tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non hay lưu thai.

Có rất nhiều bà mẹ sau khi bị sảy thai mới phát hiện ra bản thân mắc bệnh xơ gan. Do đó, việc nắm được các dấu hiệu xơ gan ở phụ nữ mang thai là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp thai phụ kịp thời áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân mà còn giúp chu kỳ mang thai an toàn, thai nhi sinh ra khỏe mạnh, phát triển bình thường.