Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

5 lầm tưởng của mẹ về hệ tiêu hoá ở bé

Hệ tiêu hoá là nền tảng cho sức khoẻ của trẻ. Tuy nhiên, cách giữ gìn và chăm sóc hệ tiêu hoá của bé không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu rõ, nên dễ dẫn đến những ngộ nhận sai lầm về hệ cơ quan quan trọng này. Cùng nhau giải mã 5 lầm tưởng phổ biến của mẹ về hệ tiêu hoá của bé nhé!

1. Hệ tiêu hoá bé có thể hấp thu tất cả các dưỡng chất khi mẹ cho ăn.

Không ít các bậc phụ huynh vì sợ bé thua kém về thể trạng, còi cọc, ốm yếu hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi nên thường hay ép bé ăn. Tuy nhiên, vào những năm đầu đời hệ tiêu hoá của bé còn non nớt và chưa phát triển đầy đủ. Việc ăn quá nhiều khiến đường ruột làm việc quá sức, dẫn đến không thể tiêu hoá hết thức ăn. Thức ăn dư thừa tồn đọng trong đường ruột gây ra những triệu chứng rối loạn tiêu hoá như: Tiêu chảy, nôn trớ, đầy bụng, khó tiêu…


Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên tìm hiểu thật kỹ chế độ ăn phù hợp với thể trạng và lứa tuổi của bé. Quan sát bé trong quá trình ăn để nhận ra những tín hiệu báo ngừng ăn từ bé. Ngoài ra, mẹ còn cần theo dõi bé sát sao để nhận ra những dấu hiệu rối loạn tiêu hoá như nôn trớ, trào ngược dạ dày thực quản, táo bón, tiêu chảy…. qua đó mà cân nhắc gia giảm lượng thức ăn cho phù hợp. Nhưng điều quan trọng là mẹ nên bổ sung các lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh, hỗ trợ bé hấp thu tối ưu những dưỡng chất có trong thức ăn.

2. Khi trẻ bị táo bón, mẹ lạm dụng thuốc thụt hậu môn.

Táo bón là một trong những triệu chứng của rối loạn tiêu hoá. Khi trẻ bị táo bón, mẹ thường nôn nóng, muốn giải quyết nhanh bằng cách dùng thuốc thụt hậu môn để kích thích bé đi ngoài dễ dàng hơn. Hậu quả của thụt hậu môn thường xuyên là gây ra những tổn thương trên niêm mạc thành hậu môn, có thể làm bé mất phản xạ đi tiêu và đặc biệt là những lần đi sau có xu hướng phụ thuộc vào thủ thuật thụt hậu môn và thuốc.

Bên cạnh đó, thụt hậu môn còn làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của bé. Các thành phần hoá học trong thuốc có nguy cơ xâm nhập vào đường ruột vốn dĩ đang rất non nớt và sau đó có thể vào hệ thống cơ quan cơ thể trẻ. Việc này ít nhiều sẽ ảnh hưởng việc ăn uống và quá trình tiêu hóa – hấp thu – chuyển hóa – thải trừ và qua đó ảnh hưởng đến dinh dưỡng cho trẻ. Thay vì phải thụt hậu môn, mẹ nên điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, bổ sung thêm hoa quả giàu chất xơ tiêu hóa, bổ sung lợi khuẩn vào khẩu phần ăn và cho bé uống đủ nước.

3. Khi thấy trẻ táo bón, mẹ cho uống ngay men tiêu hoá hay men vi sinh.

Mẹ thường cho bé uống ngay men tiêu hoá hoặc men vi sinh khi thấy trẻ có triệu chứng táo bón mà chưa hiểu rõ tác dụng thực sự và bản chất của 2 loại này. Men tiêu hoá sẽ được chỉ định dùng trong 2 trường hợp sau: khi có bằng chứng bé bị thiếu hay mất men tiêu hoá; mẹ muốn tăng cường khả năng tiêu hóa của bé trong 1 khoảng thời gian cụ thể nào đó. Men vi sinh là chế phẩm vi sinh, chứa các lợi khuẩn, được chỉ định khi cần tái lập lại hệ cân bằng vi khuẩn đường ruột. Cả hai loại trên, đều càng phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ.


Nhiều phụ huynh nhầm lẫn việc dùng 2 loại men trên và thường sử dụng khi không có sự chỉ định cũng như tư vấn từ bác sĩ. Nếu sử dụng men tiêu hóa không hợp lý, sẽ có thể làm mất sự điều tiết enzym tự nhiên. Hệ lụy là cơ thể sẽ tự động giảm hay thậm chí ngừng tiết men tiêu hoá và khiến bé bị lệ thuộc vào men bổ sung.

4. Sự phát triển trí não của bé quan trọng hơn hệ tiêu hoá.

Thật ra, hệ tiêu hóa của bé chính là nền tảng để bé phát triển trí não. Mẹ muốn bé thông minh hơn thì phải chuẩn bị cho bé một bộ máy tiêu hóa mạnh với hệ thần kinh ruột khỏe thông qua việc cân bằng hệ vi sinh đường ruột thật tốt. Bởi vì hệ thần kinh ruột của bộ máy tiêu hoá được ví như bộ não thứ 2 của trẻ và là cơ quan quan trọng hàng đầu để bé có nền tảng phát triển toàn diện. Khi hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, sẽ sản xuất nhiều serotonin cho cơ thể. Đây cũng là chất dẫn truyền đặc biệt trong hệ thần kinh, giúp trẻ ăn ngon miệng, xử lý thông tin nhanh, hiệu quả và thông minh hơn. Ngoài ra, hệ tiêu hoá khoẻ thì sẽ giúp các chất dinh dưỡng hấp thu từ thức ăn chuyển hoá thành các chất có lợi cho não bộ.

5. Khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ cho trẻ ăn ít lại vì sợ khó tiêu

Đối với trẻ bị tiêu chảy, mẹ thường có khuynh hướng cho bé ăn uống ít lại vì sợ làm cho bé khó tiêu, sợ tiếp tục tiêu chảy nhiều hơn!. Tuy nhiên, điều này là sai lầm, bởi cơ thể bé lúc này có khả năng đang mất nhiều nước và khoáng chất. Nếu để lâu và không cung cấp nước và khoáng chất cho bé, sẽ dẫn đến rối loạn điện giải cùng nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Để giúp bé phục hồi nhanh, mẹ cần bổ sung nước nhiều hơn lượng nước bé uống hàng ngày, bổ sung thêm các thành phần khoáng chất, đồng thời duy trì chế độ ăn như bình thường.


Hệ tiêu hóa của bé cần được chăm sóc cẩn thận để có thể hấp thu tốt dinh dưỡng. Bởi vậy, bên cạnh bổ sung chất xơ tiêu hóa vào bữa ăn của bé, mẹ phải chọn đúng loại sữa mát để bé dễ tiêu hóa và hấp thu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét